Luận các cách cục sai biệt
Hiện nay có rất nhiều trường phái Phong Thuỷ khác nhau, mỗi người vận dụng theo một cách và các trường phái đều tỏ ra hiệu quả. Thực chất các phái không mâu thuẫn nhau mà chỉ là sự phát triển độc lập dựa trên một lý thuyết nền tảng thống nhất lấy Âm Dương, Ngũ Hành, Dịch lý làm gốc. Bát Trạch và Huyền Không là hai trường phái lớn tồn tại đồng hành. Thực tế áp dụng phải lấy sự phối hợp làm tiêu chí chủ đạo. Theo kinh nghiệm tác giả, Bát Trạch phản ánh yếu tố Nhân, tức là sự hoà hợp của bản thân mỗi con người đối với môi trường thiên nhiên, mà cụ thể là căn nhà nơi con người sinh sống. Ngoài yếu tố Địa - Nhân tương hợp, còn yếu tố rất quan trọng là Thiên Khí và Địa Khí được tính toán bởi lý thuyết huyền diệu của Huyền Không Phi Tinh. Phối hợp cả hai trường phái đảm bảo Thiên - Địa – Nhân hợp nhất, xem xét toàn diện được mọi mặt của trường khí phát sinh bởi trời đất chi phối đến vận mệnh con người.
Xem thuần tuý theo phép Bát Trạch chỉ dừng lại được một yếu tố Nhân, chưa thống nhất và tính toán được các yếu tố biến động cuả Thiên Khí và Địa Khí, chưa phù hợp với nguyên lý của Dịch Học là biến đổi và vận động không ngừng. Chính vì thế, áp dụng thuần tuý Bát Trạch chỉ dừng lại ở mức độ trung. Cần kết hợp với Huyền Không để phối hợp được cả 3 yếu tố Thiên - Địa – Nhân thì sẽ phát huy được hết khả năng của Phong Thuỷ trong việc cải tạo vận mệnh.
Ví dụ : một ngôi nhà tốt có các Phi Tinh Huyền Không sinh vượng coi như một cỗ máy hoàn hảo để con người sinh sống, nương tựa vào. Nhưng nhà Đông Tứ Trạch sẽ phù hợp hơn với người Mệnh Quái Đông Tứ Trạch nên sẽ tốt hơn cho người Đông Tứ Mệnh. Nếu có người Mệnh Tây Tứ Trạch đến ở sẽ không xấu nhưng không hài hoà được về mặt Âm Dương nên sẽ không tốt bằng người Đông Tứ Mệnh.
2. Luận về thành thị, nông thôn khác biệt :
Nông thôn về kiến trúc khác so với thành thị, thường là nơi thoáng đãng, đất rộng, thường là mỗi một khu nhà xây riêng biệt, sơn thuỷ xung quanh thường là thực sơn thực thuỷ. Nông thôn cần có cả sơn thuỷ hội hợp. Sơn thì cần nhất là thế núi thanh tú diễm lệ, thuỷ thì rất cần mềm mại uốn lượn bao bọc lấy huyệt, nước trong xanh sáng sủa tĩnh lặng.
Về thành thị đất chật người đông, nhà cửa san sát, đường xá rộng rãi. Cần thiết nhất là được thực sơn thực thuỷ. Cần chú trọng quan sát đường đi, nhà cửa xung quanh hoặc phía trước cao thấp, lồi lõm, đường xá phân bố cung quanh nhà. Cửa lớn cửa chính mở giữa hay phải trái của nhà, hoặc đi cửa ngách cửa phụ, nội thất các bộ phận trong căn nhà cần xem xét cẩn thận. Mệnh Quái chủ nhà cũng rất quan trọng, nhập trạch động thổ cũng cần xem xét cẩn trọng.
2. Phi tinh :
Cửa chính là rất quan trọng, cần thiết nhất phải mở ở phương sinh vượng, tránh phương suy khí tử tuyệt, hoặc mở cửa đúng phương thành môn. Cửa xem như cái mũi, miệng của người, là nơi nạp khí vô cùng quan trọng quyết định thọ yểu, bần phú của người trong nhà. Cổng ngoài nhà cần xem xét thuỷ đến quyết định ứng nghiệm nhanh hay chậm, nặng hay nhẹ đều xem đường xá mà đoán.
3. Hướng nhà hướng cửa :
Thường khi xem xét thì hướng nhà và hướng cửa đồng nhất với nhau nhưng đôi khi là hai hướng phân biệt. Trước hết xem xét cát hung hoạ phúc dựa vào hướng cửa nếu ứng nghiệm thì không cần phải xem xét hướng nhà. Ngược lại thì xem xét hướng nhà nếu ứng nghiệm thì không cần phải xem xét hướng cửa nữa.
4. Đường cục hoàn cảnh :
Nơi thành thị xem xét sơn mạch và thuỷ mạch đi đến ưng hợp với cuộc đất thế nào. Coi nơi đất cao thấp như sông ngòi, hướng thuỷ đến đi cũng cần được coi trọng.Sau xem xét đến những diện tích bao xung quanh nhà, xem các mái nhà xung quanh, xem cây cối, ụ đất, chấn song, Mọi vật bài bố đều căn cứ theo phi tinh suy vượng mà đoán cát hung.
Các đường đi dẫn lối trong nhà ví như những huyết mạch trong cơ thể người, phải rộng hẹp cân đối với nhà. Nếu nhà lớn mà đường hẹp sẽ không đủ dẫn khí, nếu nhà nhỏ mà đường quá lớn sẽ không chứa đủ khí. Đường đi phải uốn lượn, tránh trực xạ, gấp khúc khí sẽ khó lưu thông.
5. Cửa chính cửa phụ :
Cửa chính là rất quan trọng nơi thu nạp khí của toàn bộ ngôi nhà, cần xem xét thêm các cửa phụ bên trong phi tinh sinh vượng suy tử để luận. Nếu cửa ngoài cát cửa trong hung thì phải luận là khó tránh bệnh tật. Nếu cửa ngoài hung cửa trong cát chỉ luận là tạm dùng được mà thôi.
6. Cổng và nhà tương xứng :
Khi xem xét cần nhà cửa và cửa mở to nhỏ cân xứng với nhau. Nếu nhà to mà cửa nhỏ thì không tốt, nếu nhà nhỏ cửa to cũng không tốt. Cần nhất nhà cửa to nhỏ cân xứng và phi tinh sinh vượng thì rất tốt lành.
7. Mở cửa đúng vận :
Phàm nhà cửa khi gặp phải vận suy tử, phi tinh chiếu mang lại tai hoạ, hoặc nhà cửa quá cũ nát, hướng tinh nhập tù sẽ không còn tốt nữa rất cần phải mở cửa tu tạo lại đúng theo hướng vượng khí, khi đó sự dẫn khí của cổng cửa sẽ tốt hơn và căn nhà trở nên hưng vượng. Cũng cần xem xét mở thêm cửa mới, cửa ở phương vị mới sẽ lấy được vượng khí hoặc mở thêm cửa phụ. Cửa chính cửa phụ khí cần đồng nhất cần sinh vượng.
8. Luận cửa cao thấp :
Cửa so với nền nhà cần thấp hơn như thế vượng khí mới hấp thụ được vào nhà. Rất cần có thuỷ đến, đường xá uốn lượn bao bọc hoặc có sông hồ hội tụ. Nếu nền cổng cao hơn nền nhà thì khí không thể hấp thu vào nhà cho dù phi tinh sinh vượng cũng luận là hung.
9. Ánh sáng :
Phòng ốc kỵ nhất là không có ánh nắng mặt trời chiếu tới, như vậy Dương Khí không có, Âm Khí hội tụ. Nếu gặp phải phi tinh Nhị Hắc chủ bệnh tật, Ngũ Hoàng chủ Ngũ Quỷ chiếu tới tất phát sinh bệnh tật tai hoạ. Nếu hội hợp cả hai sao Nhị, Ngũ thì rất xấu hoạ không thể tránh.
10. Cổng cửa :
Phép Huyền Không tối trọng xem xét cửa nhà, cần xét lý tính của cửa với phi tinh của hướng phối hợp cát lành. Đặc biệt là cửa coi như thuộc Hoả, cần gặp phi tinh Nhất Bạch chiếu hướng thì đắc cách thuỷ hoả ký tế. Nếu gặp Tam Bích Mộc Tinh thì Mộc sinh Hoả chủ cát. Nếu hướng tinh Bát Bạch thì Hoả sinh Thổ môn sinh sao cũng tốt. Hướng tinh là Cửu Tử thì Hoả quá vượng sẽ thành khuyết điểm. Nếu gặp Lục Bạch Kim thì Hoả khắc Kim chủ sinh nghịch tửhay mắc các bệnh phối ho, bệnh cao huyết áp. Hướng tinh bệnh phù Nhị Hắc thì chung niên dễ mắc bệnh tật. Hướng tinh Ngũ Hoàng đại hung chủ mắc bệnh da liễu, bệnh trúng độc, ác tật khó chữa. Các phòng tạo lập căn cứ chủ yếu vào sao đương vận, chọn nơi sao đương vận chiếu sẽ được vượng khí, ngoài ra cần phối hợp thêm với Bát Trạch xem người Đông Tứ Trạch ở phòng Đông Tứ Trạch, Tây Tứ Trạch ở phòng Tây Tứ Trạch.
11. Nhà vệ sinh :
Nhà vệ sinh là nơi bài tiết các chất bẩn xú uế ra bên ngoài nhà. Cần tiến hành chọn nơi phi tinh suy tử thoái khí tránh nơi vượng khí, nơi long đến nhập thủ hoặc hai bên cạnh nhà hoặc trước nhà. Vào vận Thượng nguyên nên chọn nơi Thất Xích, Bát Bạch, Cửu Tử. Vào vận trung nguyên nên chọn Nhất Bạch, Tam Bích, hạ nguyên vận nên chọn nơi Tứ Lục, Lục Bạch. Cần tránh nơi có hai sao Nhị Hắc Ngũ Hoàng đóng, nếu xâm phạm đến chủ bệnh tật, tai hoạ. Nếu thêm phi tinh hàng năm đến nơi có Nhị Ngũ nữa thì tai hoạ nghiêm trọng. Nhưng nơi có song tinh Nhất Lục, Lục Bát, Tứ Cửu chiếm đóng cũng không nên sử dụng làm nơi nhà vệ sinh bởi lẽ sẽ không thể phát về công danh, sự nghiệp.
12. Sử dụng cách vận :
Trong trường hợp nhà cửa có nhiều phòng cần xem xét phòng chủ trước hết cần phải được vượng tinh chiếu tới. Những phòng phụ khác cần xem xét có những sao sinh khí của những vận kế chiếu tới. Như thế khi sao chủ vận đã hết vượng khí vẫn có thể tận dụng những vận kế tiếp mà gia trạch không bị suy thoái tránh trường hợp chỉ vượng được trong một thời vận duy nhất rồi đến vận tới bị lụi bại.
13. Phối hợp các công trình xung quanh nhà :
Cần xem xét cẩn thận các công trình xung quanh nhà như giếng nước, tháp nhọn, đường đi, gò cao, miếu thờ. Những nơi thờ tự cần thu nạp được sinh khí vượng khí thì phúc đức sẽ tăng. Tháp nhọn cần có các sao Nhất, Tứ chiếu đến chủ phát về văn tài danh nhân lỗi lạc. Những nơi sơn tinh đương vượng cần có gò đống cao, tuy nhiên cũng cần phải xem xét cụ thể những niên tinh chiếu đến hàng năm nếu sinh vượng thì cần sinh trợ, nếu suy tử thì cần khắc tiết biến hung thành cát.
No comments:
Post a Comment